Skip to main content

Dự án Tổ hợp tác xe ôm xã Mỹ Khánh cần câu thoát nghèo bền vững

        Chiều ngày 07/8/2024, UBND xã Mỹ Khánh tổ chức buổi ra mắt mô hình sinh kế “Tổ hợp tác xe ôm xã Mỹ Khánh” nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình để sớm thoát nghèo bền vững.

        Tham dự lễ có Bà Võ Thị Xuân Kiều - Ủy viên BTV Thành ủy, PCT. UBND thành phố; Ông Nguyễn Thanh Quang - Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, CT.UBMTTQVN thành phố; Ông Trịnh Minh Lộc – Thành ủy viên, Trưởng phòng LĐTB&XH thành phố; Ông Nguyễn Văn Mánh – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã; lãnh đạo UBND xã, HĐND xã, UBMTTQVN xã; các đoàn thể chính trị - xã hội, ngành, các ấp và 23 thành viên trong tổ hợp tác xe ôm.

                                                         Quang cảnh buổi lễ

        Xác định công tác giảm nghèo bền vững là Chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng quy định về các chế độ, chính sách, ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

        Ban điều hành giảm nghèo xã đã tiến hành tổ chức mời dân là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong 36 tháng, triển khai mô hình Tổ hớp tác xe ôm xã Mỹ Khánh. Qua triển khai thực hiện, mô hình Tổ hợp tác xe ôm có 23 thành viên đăng ký tham gia. 

        Mục tiêu dự án mô hình Tổ hợp tác xe ôm xã Mỹ Khánh hướng đến là:

       Một là: Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn sản xuất, có công việc, thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững.

        Hai là: Tạo nguồn sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn xã nói chung cụ thể là những người tham gia dự án, góp phần giảm nghèo, thoát nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại địa bàn triển khai dự án.

       Ba là: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trên cơ sở giảm dần những hoạt động “cho không”, tăng dần cơ chế hỗ trợ có điều kiện, từ đó, tạo ra sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại cho các đối tượng được hỗ trợ. Dự kiến sau khi tham gia dự án có trên 70% số hộ thoát nghèo, cận nghèo.

       Kinh phí thực hiện dự án: nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách nhà nước hỗ trợ và kinh phí đối ứng các hộ cận nghèo tham gia. Tổng kinh phí: 797.461.000 đồng. Trong đó, hộ dân tham gia đối ứng 40%, tương đương: 336.697.000 đồng.

       Doanh thu, lợi nhuận 12 tháng từ dự án 70.381.000đ/hộ/năm và khả năng nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới tiếp tục thực hiện dự án giúp hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

       Việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn xã là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm khai thác tìm năng thế mạnh của xã, gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, tiếp sức, hỗ trợ phương tiện sản xuất, tạo sinh kế cho các hộ gia đình, giúp các hộ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, tiến tới giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang.

                                                                                                                                                                                                  Ngọc Thị