Skip to main content

Thăm vườn kỷ tử đầu tiên ở An Giang

- Thông thường kỷ tử được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, gần đây chị Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1988, ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã đầu tư các thiết bị công nghệ, mang giống cây kỷ tử về trồng tại vườn nhà, để xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho mình.

 

 

Do có diện tích đất vườn khá rộng, nên chị Nguyễn Thị Thùy Linh đã trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Qua tìm hiểu thông tin liên quan đến cây kỷ tử từ mạng internet, chị Linh đã mạnh dạn đầu tư phát triển loại cây này.

 

 

Kỷ tử hay còn gọi là Cây kỷ tử thuộc họ cà (tên khoa học là Fructus Lycii), do được trồng nhiều ở các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, nên giai đoạn đầu trồng kỷ tử chị Linh gặp không ít khó khăn, như: Cây bị chết, không phát triển, không cho trái…

 

 

 

Được sự đồng hành của ngành nông nghiệp TP. Long Xuyên và xã Mỹ Khánh chị Linh có thêm được nhiều kiến thức trong việc chăm sóc cây trồng, nhờ đó chị đã trồng thành công kỷ tử cho trái đều theo mùa vụ.

 

Chị Linh cho biết: “Hiện diện tích trồng kỷ tử của gia đình khoảng 1.200m2”, kỷ tử được trồng trong nhà màng và sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ. Kỷ tử sau khi thu hoạch tôi chế biến thành các sản phẩm: Kỷ tử sấy khô, rượu ngâm kỷ tử, mật ong lên men kỷ tử, trà kỷ tử…, để bán thông qua các trang mạng xã hội”.

 

Để nâng tầm giá trị cho sản phẩm, tạo ra nguồn dược liệu sạch cung cấp cho người tiêu dùng, chị Linh đang hướng đến phát triển sản phẩm kỷ tử theo chuẩn OCOP.

 

Kỷ tử có vị ngọt, tính bình, trong đông y, kỷ tử chủ yếu dùng cho các bài thuốc an thần, ích khí, trừ phong, nhuận phế...

NGUYỄN HƯNG